Đề xuất loạt chính sách gỡ vướng cho thị trường bất động sản

Theo thống kê, hiện nay, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật…

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất một loạt chính sách gỡ vướng cho thị trường bất động sản.
Văn bản này vừa được gửi đến Thủ tướng sau khi VNREA tổ chức hội nghị trao đổi, chia sẻ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về các chính sách của nhà nước đối với thị trường bất động sản Việt Nam, nhằm kiến nghị tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển ổn định bền vững vào ngày 18/2/2020.
Tại văn bản trên, VNREA cho biết, trong giai đoạn 3 năm vừa qua từ 2017, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động, song nhìn chung thị trường bất động sản cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và đã giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước và là động lực phát triển cho nhiều ngành, nghề khác. 
Tuy nhiên, bước sang nửa cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thị trường gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề khác, khiến nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình trên, nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, VNREA đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại có phương án giảm lãi suất đối với các hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú …; có gói vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Dẫn giải quy định của Luật Nhà ở, đơn vị này cho biết, theo quy định hàng năm Nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, Viettinbank được cấp bù lãi suất vay 3-4% còn lại tự huy động 100% để cho vay.
Như vậy, nếu cấp 1.000 tỷ với tỷ lệ bù lãi suất vay 3-4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 tỷ  – 30.000 tỷ cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế năm 2019 vẫn chưa có nguồn kinh phí này hỗ trợ cho người mua và doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. 
Khẳng định đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường BĐS phân khúc nhà ở xã hội vì hiện tại nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn, vì vậy, VNREA kiến nghị Thủ tướng tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thu nhập thấp mua nhà ở xã hội theo 2 kênh ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối.
Đặc biệt tại văn bản trên, VNREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiêp bất động sản và người dân.
VNREA cho biết, theo thống kê sơ bộ, hiện nay, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. 
Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác. 
Theo VNREA, điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, gia tăng thời gian và chi phí tuân thủ, làm lỡ cơ hội đầu tư, tăng rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, vận hành bất động sản còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập cần được sửa đổi, hoàn thiện nhằm gia tăng hiệu quả đầu tư, kinh doanh; bảo đảm sự phát triển minh bạch của thị trường; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.
Do đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn miễn phí